1. Ngày sinh nhật Bác được tổ chức lần đầu tiên khi nào?
Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh nổi tiếng là người sống giản dị, khiêm tốn, không thích phô trương và càng đặc biệt, không thích người khác tặng quà cáp nịnh bợ.
Tuy là vị chủ tịch vĩ đại được nhân dân cả nước rất mực yêu mến, tôn sùng, nhưng phải đến tận tháng 5/1946, lần đầu tiên toàn dân Việt Nam mới được biết đến ngày sinh của Bác. Theo Hồi ký “Tháng Tám cờ bay” của cụ Vũ Đình Huỳnh – nguyên Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – nhân chứng lịch sử chứng kiến buổi lễ kỉ niệm ngày sinh nhật lần đầu tiên của Bác đăng trên báo Văn nghệ tháng 10/1993.
“…Sáng 18 tháng 5, Bác bước vào phòng tôi, bảo:
– Này, chú thông báo cho các vị trong Chính phủ biết ngày mai sinh nhật tôi. Đừng quên gọi các cháu thiếu nhi đến chơi với tôi nhé!
Tôi sửng sốt nhìn Bác. Con người rất mực khiêm tốn, thế mà đùng chỉ thị cho tôi tổ chức sinh nhật cho chính mình? Tôi toan hỏi Bác, nhưng Bác đã quay ra. Dừng lại ở cửa, Bác dặn thêm:
– Báo cho các anh ở Trung ương và các đoàn thể biết luôn mai kỷ niệm sinh nhật tôi.
Tôi gọi dây nói đi các nơi bàn về việc tổ chức sinh nhật Bác. Những nơi cần báo mà không có dây nói thì phải cử người đi đến tận nơi. Mọi người cằn nhằn với tôi về chuyện nước đến chân mới nhảy. Anh Trường Chinh cho rằng tôi đã được biết sinh nhật Bác mà không nói trước. Tuy nhiên, rồi người nọ báo thêm cho người kia, cho nên cả những người tôi quên rồi cũng được biết vào chiều ngày 18.
Hôm sau, cả Hà Nội sáng lên màu cờ, biểu ngữ nói lên ý chí giành độc lập và chúc mừng Bác. Nhìn ra ngoài đường, tôi thấy anh em thợ điện tíu tít bắc thang chăng đèn kết hoa. Lễ mừng sinh nhật Bác được tổ chức vào tối hôm đó, tại Bắc Bộ phủ. Không khí ngày hội chảy tràn trên phố phường, tới tận hang cùng ngõ hẻm. Từng đoàn người biểu tình tuần hành trên các đường trung tâm hô vang khẩu hiệu chúc thọ Bác và các khẩu hiệu cách mạng khác. Các cháu thiếu nhi ăn mặc quần áo đẹp, gõ trống ếch ca hát quanh Bắc Bộ phủ.
Cũng ngày hôm đó, vào buổi tối, tôi có nhiệm vụ phải tổ chức đón tiếp Cao uỷ Đác-giăng-li-ơ và ông Xanh-tơ-ni, cũng tại Bắc Bộ phủ. Đác-giăng-li-ơ từ Hải Phòng lên, Xanh-tơ-ni ở sẵn Hà Nội, hai người sẽ tới chào xã giao Hồ Chủ tịch. Thì ra Bác đã tính toán trước tất cả. Nếu họ tới mà không có sự đón tiếp nồng nhiệt thì không ra sao, sẽ có hại cho mối quan hệ vốn dĩ đã căng thẳng. Nhưng nếu phải đón tiếp họ tưng bừng thì mình lép vế quá. Thế là ngày sinh nhật Bác được thông báo.
Đác-giăng-li-ơ và Xanh-tơ-ni tới Bắc Bộ phủ với gương mặt rạng rỡ. Chắc hẳn ông đô đốc nghĩ rằng không khí hội hè ở Hà Nội mà ông thấy là giành cho ông. Ở Bắc Bộ phủ, họ gặp nhiều quan chức cao cấp của Chính phủ Việt Nam hơn là trong một cuộc đón tiếp bình thường, có cả các cháu thiếu nhi vẫy cờ và hoa. Cuộc thăm viếng xã giao vô hình chung biến thành cuộc đến chúc mừng nhân ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều mà tôi tin là đối với Bác, ngày sinh của mình cũng phải là một ngày phục vụ được lợi ích của cách mạng…”.
2. Những suy nghĩ về ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh
Những chuyện kể về sinh nhật của Bác cũng góp phần thể hiện một nhân cách lớn mà chúng ta đang tiếp tục ôn lại với niềm tự hào được là con cháu của Người.
Lần kỷ niệm đầu tiên Ngày sinh Bác Hồ là vào sáng 19-5-1946 tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ tiếp đại biểu Thiếu nhi Thủ đô tự vệ, hướng đạo và hơn năm mươi đại biểu Nam bộ đến chúc mừng ngày sinh của Bác. Bác tặng các đại biểu thiếu nhi một cây bách trồng trong chậu và nói: ”Bác có cây này tặng các cháu. Mai sau, cái cây sẽ mọc ra một chậu trăm cái tán. Các cháu chăm nom cho cây lớn, cây tốt, thế là các cháu yêu Bác lắm đấy”.
Cũng chính ngày này, lực lượng thanh niên Thủ đô đã tuần hành thị uy chúc thọ Bác Hồ. Việc đó làm cho các đại biểu Đồng minh thấy rõ uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong lời phát biểu đáp lại lòng kính mến của đồng bào: ”Tôi chưa xứng đáng với sự săn sóc của đồng bào. Vì tôi hãy còn là một thanh niên, tuổi 56 chưa đáng được đồng bào chúc thọ. Chỉ vì một nhà báo nào đó biết đến ngày sinh của tôi mà đem ra làm rộn đồng bào. Từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc…”.
Ngày 25-5-1946, Bác gửi thư cảm ơn đồng bào, các cơ quan, đoàn thể Việt Nam và nước ngoài đã chúc mừng Người.
Bác vẫn luôn từ chối việc tổ chức mừng sinh nhật mình. Năm 1949, Bác có bài thơ ”Không đề” trả lời ý kiến một số cán bộ đề nghị tổ chức sinh nhật mình: ”Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà/ Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già/ Chờ cho kháng chiến thành công đã/ Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”.
Những lần sinh nhật khác cũng thường chỉ là những lời chúc mừng và cảm ơn, một ít kẹo bánh mời người đến trực tiếp gặp Bác cho đến năm 1965 trong tháng sinh nhật mình Bác đã bắt đầu viết Di chúc thì kỷ niệm Ngày sinh của Bác cũng được tổ chức gọn nhẹ nhưng đầy ý nghĩa. Dịp sinh nhật của Người năm 1969 cũng diễn ra giản dị và đằm ấm như mọi lần, nào ai ngờ được đó là ngày sinh nhật cuối cùng của Bác.
òn nhiều câu chuyện xung quanh những lần sinh nhật Bác như vào dịp này năm 1963 Người đề nghị Quốc hội không nhận Huân chương Sao vàng: ”… Chờ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc -Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao tôi Huân chương cao quý ấy. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng” …
Sự từ chối lễ nghi phiền phức của vị Chủ tịch nước, lãnh tụ tối cao của Ðảng, trong dịp kỷ niệm ngày sinh của mình thể hiện sự khiêm tốn, giản dị, đó là bản chất của người đầy tớ của nhân dân. Nhân cách ấy, sự cao thượng ấy càng làm cho hình ảnh Bác Hồ trở nên cao đẹp và là tấm gương mẫu mực về đức tính khiêm tốn, giản dị và đạo lý làm người cao đẹp nhất