Người lớn lơ là, trẻ nhỏ dễ mất mạng….
Tai nạn, thương tích là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em ở nước ta. Theo Bộ LĐ-TB&XH, tỷ suất tử vong do tai nạn, thương tích ở trẻ em ở Việt Nam cao so với các nước trên thế giới. Năm 2010 toàn quốc có 7.460 trẻ em và trẻ vị thành niên từ 0-19 tuổi bị tử vong do tai nạn, thương tích, trung bình mỗi ngày có 20 em bị tử vong do tai nạn, thương tích. Năm 2013, có 6.498 em bị tử vong, trung bình mỗi ngày còn có khoảng 18 em bị tử vong do tai nạn, thương tích. Tỷ suất tử vong do tai nạn, thương tích trong độ tuổi từ 0-19 tuổi ở Việt Nam giai đoạn 2010-2013 vẫn còn cao so với các nước trên thế giới, cao gấp đôi tỷ suất tử vong do tai nạn, thương tích ở các nước có thu nhập cao. Đặc biệt, tử vong do đuối nước cao hơn các nước trên thế giới, các nước khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 lần các nước có thu nhập cao.
Hiện nay trung bình mỗi ngày cả nước vẫn còn có khoảng 9 trẻ em, trẻ vị thành niên gặp tai nạn đuối nước. Mỗi năm có khoảng hơn 3 nghìn trẻ em bị “hà bá”, thủy thần” cướp đi. Cứ dịp nghỉ hè, mùa mưa lũ, những thông tin đau lòng về tai nạn đuối nước trẻ em lại xuất hiện nhiều hơn. Mỗi năm, chi phí khắc phục hậu quả do tai nạn, thương tích ở Việt Nam khoảng 30.000 tỉ đồng nhưng nghiêm trọng hơn, tai nạn, thương tích ở trẻ em để lại hậu quả nặng nề về tinh thần, là nỗi ám ảnh cả cuộc đời cho các bậc cha mẹ.
Những nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn, thương tích cho trẻ em bao gồm: sự thiếu kiến thức, bất cẩn của người lớn, các trang thiết bị an toàn cho trẻ em chưa được sử dụng phổ biến, môi trường xã hội vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, thương tích trẻ em tại gia đình và cộng đồng, kinh phí cho việc thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em ở địa phương còn hạn chế...
Điều đáng nói là hầu hết các trường hợp liên quan đến tai nạn thương tích đều phòng tránh được, nếu chúng ta – mỗi người lớn, mỗi cơ quan, mỗi gia đình quan tâm nhiều hơn nữa cho trẻ em. Việc nâng cao nhận thức, cam kết trách nhiệm của các cấp các ngành cũng như chuyển đổi hành vi của cộng đồng theo hướng tích cực về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; từng bước giảm tỷ lệ tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông bởi vậy là mục tiêu quan trọng được hướng đến, nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em, hạnh phúc cho gia đình và xã hội. Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Chính sách quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích giai đoạn 2002 – 2010 và Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2013-2015 bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đã được nâng cao hơn. Tuy nhiên, các mục tiêu về giảm tỷ suất tai nạn, thương tích, giảm tỷ suất tử vong, giảm 15% số trẻ bị đuối nước...vẫn còn là thách thức lớn, đòi hỏi cần có những giải pháp hiệu quả và sự triển khai đồng bộ, tích cực, khẩn trương hơn nữa.
Học bơi vừa trang bị cho trẻ những kỹ năng thể chất nhất định, vừa để trẻ có thể tự phòng tránh tai nạn đuối nước.
Dành nhiều quan tâm đến trẻ em
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội. Thủ tướng cũng đã có Chỉ thị yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng chống tai nạn, thương tích và đuối nuớc cho học sinh, trẻ em. Thủ tướng giao Bộ Giáo dục – Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ VH-TT&DL, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trước hết là các trường phổ thông rà soát nội dung chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường, đặc biệt chú ý hướng dẫn kỹ năng bơi lội, kỹ năng phòng, tránh, ứng phó các trường hợp tai nạn, gây thương tích (như cháy nổ, hỏa hoạn, bão, lũ…).
UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc rà soát cơ sở vật chất, điều kiện, rèn luyện sức khỏe, thể chất cho học sinh, trẻ em, đặc biệt là điều kiện hướng dẫn tập luyện kỹ năng bơi lội phù hợp với điều kiện của địa phương. Bộ Thông tin – truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát con em mình, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa bão, mùa nước nổi….
Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2020. Trong giai đoạn này, Hà Nội đặt ra các mục tiêu: Giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống còn 135/100.000 trẻ em; giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích xuống còn 5/100.000 trẻ em. Phấn đấu đạt ít nhất 70% ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí ngôi nhà an toàn; 95% trường học đạt tiêu chuẩn trường học an toàn; 90 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn cộng đồng an toàn; 100% trẻ em trong độ tuổi ở cấp học phổ thông biết các quy định về an toàn giao thông; phòng, chống đuối nước; 100% cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em từ TP đến các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được tập huấn kiến thức về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; 100% nhân viên y tế thôn, bản, nhân viên y tế trường học biết các kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn, thương tích; 100% các quận, huyện, thị xã quản lý, theo dõi và báo cáo đầy đủ, đúng thời hạn số liệu trẻ em mắc, tử vong do tai nạn, thương tích; tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
Để đạt được các mục tiêu kể trên, nhiều hoạt động sẽ được Hà Nội triển khai đồng bộ như: Nâng cao năng lực bảo vệ, chăm sóc trẻ em; xây dựng ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; xây dựng trường học an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; xây dựng cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; phòng, chống đuối nước trẻ em; phòng, chống tai nạn giao thông đường bộ cho trẻ em; xây dựng, vận hành hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Đặc biệt việc nâng cao công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội sẽ được Hà Nội quan tâm, chú trọng. Theo đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức: Tổ chức các chiến dịch truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước, tai nạn giao thông; tổ chức hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở theo các chủ đề phù hợp với từng nhóm đối tượng; tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp tại gia đình, trường học và cộng đồng; sản xuất các sản phẩm truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em…
Cách xử lý khi trẻ bị đuối nước
Khi trẻ bị đuối nước, cần tỉnh táo thực hiện ngay các bước xử lý sau:
- Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách, đặt trẻ nằm chỗ khô ráo và thoáng đồng thời hô to, kêu gọi thêm người đến giúp.
- Nếu trẻ bất tỉnh nhưng vẫn còn thở, cho trẻ nằm nghiêng một bên để nước từ đường thở, trong bụng ra ngoài và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
- Nếu trẻ tím tái không thở nhưng tim còn đập, phải thực hiện kỹ năng sơ cứu thổi ngạt ngay: Áp miệng thật sát vào mũi và miệng trẻ, thổi 2 lần liên tiếp, cứ 4 giây cho thổi 2 lần liên tiếp cho đến khi trẻ thở lại đều.
- Nếu tim ngừng đập, thực hiện vừa ấn tim kết hợp thổi ngạt:Ấn vùng 1/2 dưới của xương ức đều đặn theo nhịp 30 lần ấn và xen kẽ 1 lần thổi ngạt 2 hơi liên tiếp. Ấn tim và thổi ngạt cho đến khi tim đập lại và trẻ thở đều, hồng hào.
- Sau khi nạn nhân tỉnh lại sẽ nôn ra nhiều nước nên cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại.
- Kiểm tra xem nạn nhân có bị gãy cột sống hoặc các chấn thương về xương khớp nào hay không. Nếu có, nhanh chóng cố định cổ bằng nẹp.
- Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm bé sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý các bước tiếp theo. Trên đường đi người nhà cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ.
-Chú ý: Không xốc nước, không vác trẻ chạy vòng vòng cho ra nước vì cách này không tác dụng gì chỉ làm chậm thêm cơ hội cứu sống trẻ. Các cách chữa mẹo dân gian đều không hiệu quả tuyệt đối không áp dụng.
|