ĐỘ TUỔI NÀO CẦN ĐẶC BIỆT “THÚC ĐẨY” TRẺ TĂNG CHIỀU CAO TỐI ƯU?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh, có 3 giai đoạn “VÀNG” trẻ sẽ phát triển chiều cao thần tốc mà ba mẹ không nên bỏ qua gồm:
Giai đoạn bào thai
Bắt đầu từ tháng thứ 4 của thai kỳ, hệ thống xương của em bé đã được hình thành và phát triển nhanh chóng. Điều này đồng nghĩa, mẹ bầu cần có chế độ dinh dưỡng đúng đắn, đầy đủ nhằm giúp thai nhi phát triển chiều cao đạt chuẩn. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trong suốt 9 tháng mang thai, cân nặng của mẹ bầu cần tăng từ 10 – 12kg để giúp em bé sinh ra có chiều cao đạt chuẩn > 50cm (tương ứng cân nặng lúc sinh khoảng 3kg).
Giai đoạn trẻ từ 0 – 2 tuổi
Hành trình 1.000 ngày đầu đời (từ khi trẻ là bào thai cho đến 24 tháng tuổi) là giai đoạn vàng để trẻ phát triển chiều cao và thể chất vượt trội. Nếu được bổ sung dinh dưỡng đúng và đủ, trẻ có thể tăng 25cm trong năm đầu tiên và tăng 10cm mỗi năm trong 2 năm tiếp theo. Đây là giai đoạn quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao của trẻ trong tương lai.
Giai đoạn tiền dậy thì – dậy thì
Tuổi dậy thì ở mỗi trẻ có thể không giống nhau. Ở bé gái, dấu hiệu dậy thì thường bắt đầu xuất hiện từ 8 – 13 tuổi, và ở bé trai là từ 9 – 14 tuổi. Đây được xem là cơ hội cuối cùng giúp trẻ tăng tốc chiều cao tối đa.
Ở giai đoạn tiền dậy thì (8 – 10 tuổi đối với nữ và 9 – 11 tuổi đối với nam), chiều cao của bé gái tăng mỗi năm khoảng 6 – 10cm, đạt đỉnh 10 – 12cm vào năm dậy thì và bé trai là 7 – 12cm, đạt đỉnh 12 – 15cm vào năm dậy thì. Qua giai đoạn này, chiều cao tăng chậm lại, chỉ khoảng 2 – 3cm một năm.
CÁC YẾU TỐ CHÍNH TÁC ĐỘNG ĐẾN TĂNG CHIỀU CAO CỦA TRẺ
PGS.TS.BS Lê Bạch Mai – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia; Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết: “Phần lớn bố mẹ nghĩ rằng yếu tố di truyền quyết định chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, tính di truyền chỉ chi phối khoảng 20% chiều cao của trẻ, trong khi đó, chế độ dinh dưỡng, vận động và môi trường quyết định lên đến 80%. Do đó, trong những giai đoạn quan trọng của quá trình phát triển, nếu trẻ được chăm sóc và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cùng với chế độ rèn luyện thể chất phù hợp, môi trường sống lành mạnh sẽ giúp phát triển chiều cao tối ưu”.
Như vậy, không như nhiều người lầm tưởng, gien di truyền không phải là yếu tố quyết định đến chiều cao của trẻ. Thực tế có rất nhiều ba mẹ thấp lùn vẫn nuôi con cao lớn vượt trội. Và hiện nay, trẻ em tại nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng có chiều cao không thua kém trẻ em tại các nước Âu Mỹ, tất cả là nhờ được chăm sóc tốt ở các yếu tố khác.
Chiều cao có vai trò quan trọng đối sức khỏe và tương lai của trẻ. Với chiều cao lý tưởng, trẻ sẽ có cơ hội tốt hơn trong công việc và hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Ngược lại, thấp còi không chỉ dẫn đến những hệ lụy về sức khỏe mà còn khiến trẻ tự ti, mất đi nhiều cơ hội làm việc và thăng tiến sau này.
Nhiều nghiên cứu y khoa cho thấy, các bệnh lý như tiểu đường tuýp 2, đột quỵ, tim mạch, bệnh Alzheimer… sẽ ít xảy ra ở người có thể trạng cao lớn hơn so với người thấp bé. Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho rằng, những người có vóc dáng nhỏ bé cho thấy chế độ dinh dưỡng kém hoặc khả năng mắc các vấn đề về trao đổi chất từ giai đoạn bào thai đến khi sinh ra, lớn lên.
VAI TRÒ ĐẶC BIỆT CỦA DINH DƯỠNG
“Trong các giai đoạn vàng phát triển chiều cao, nếu trẻ được cung cấp chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý và có môi trường sống lành mạnh, vận động thường xuyên thì trẻ sẽ đạt được chiều cao tối ưu”, Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS.BS Lê Bạch Mai nhấn mạnh.
Cần xây dựng chế độ ăn khoa học cho trẻ theo từng độ tuổi với khẩu phần ăn phù hợp, đa dạng các loại thực phẩm có lợi cho sự phát triển và tăng chiều cao của trẻ, nhất là giúp xương phát triển dài ra. Bữa ăn của trẻ cần cung cấp đầy đủ và cân đối 4 nhóm thực phẩm chính với lượng phù hợp gồm chất bột đường (cơm, bánh mì, khoai, ngô…), chất đạm (thịt, cá, trứng, đậu phụ…), chất béo (dầu mỡ, sữa và các chế phẩm từ sữa…) cùng các loại vitamin và khoáng chất.
Để giúp trẻ ăn uống tốt và hấp thu dinh dưỡng tốt, vận động khoa học là điều không thể thiếu. Vận động sẽ giúp trẻ củng cố chất lượng khung xương, kéo dài các cơ và đặc biệt kích thích sụn tăng trưởng phát triển. Sự tăng trưởng của xương chủ yếu diễn ra ở hai đầu xương và nhờ vào sự phát triển của sụn tăng trưởng. Theo đó, các bài tập phù hợp sẽ giúp kích thích, đẩy mạnh quá trình chuyển hóa năng lượng, trao đổi chất, thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của các đĩa sụn tăng trưởng một cách tối đa. Tập luyện còn giúp tăng cường lượng canxi vào mô xương giúp xương vững chắc và phát triển tốt hơn.
Ngoài ra, ăn uống, nghỉ ngơi và vận động khoa học sẽ giúp kích thích cơ thể sản xuất hormone tăng trưởng GH nhiều hơn, nhờ đó xương sẽ dài nhanh, giúp trẻ cao lớn tối ưu, an toàn.
Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ là một cơ thể khác biệt với thể trạng, cơ địa, bệnh lý, sở thích, thói quen… khác nhau, không thể áp dụng chung 1 chế độ dinh dưỡng và vận động cho tất cả.
Mọi can thiệp về dinh dưỡng, nghỉ ngơi, tập luyện nhằm cải thiện chiều cao của trẻ cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt, trong từng giai đoạn vàng hay cả một quá trình từ những tuần đầu tiên của thai kỳ đến khi trẻ ra đời, bú mẹ, ở tuổi mẫu giáo, tuổi tiểu học và dậy thì. Nếu bỏ qua các giai đoạn trên, việc điều trị trẻ thấp bé khi bước vào tuổi vị thành niên sẽ không còn tác dụng.