1. Tiêm vaccine Covid-19 được bảo vệ trong bao lâu?
Dịch Covid-19 được biết đến lần đầu tiên vào tháng 12/2019 và cho đến nay, cả thế giới đã chiến đấu với đại dịch Covid-19 trong gần 2 năm. Nhưng, các loại vaccine mới chỉ được cấp phép sử dụng khẩn cấp gần đây. Vì vậy, các chuyên gia chưa có đủ thời gian để theo dõi và kết luận về hiệu quả lâu dài của vaccine.
Tuy nhiên, dựa trên thử nghiệm lâm sàng, các chuyên gia cũng bước đầu cho biết hiệu quả bảo vệ của từng loại vaccine. Cụ thể,
- Đối với thử nghiệm trên vaccine AstraZeneca cho thấy, vaccine này có tác dụng bảo vệ con người ít nhất 07 tháng sau khi tiêm đủ hai mũi.
- Đối với vaccine Pfizer, thử nghiệm cho rằng, nếu tiêm đủ hai liều vaccine thì hiệu quả bảo vệ có tác dụng ít nhất 06 tháng, thậm chí có thể lâu hơn.
- Vaccine Moderna cũng cho thấy kết quả về hiệu quả bảo vệ cơ thể ít nhất 06 tháng. Trước đó, vào tháng 01/2021, Moderna tuyên bố vaccine của họ có thể thể kéo dài tác dụng trong 01 năm.
Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng, vaccine ngừa Covid-19 có thể có tác dụng ít nhất trong 01 năm và vaccine này không thể bảo vệ bạn suốt đời như 01 số loại vaccine khác như vaccine phòng bệnh sởi…. Hầu hết, các hãng sản xuất vaccine hiện nay đều khuyến cáo, người dân phải tiêm phòng nhắc lại hằng năm như vaccine cúm mùa. Đồng thời, vaccine ngừa Covid-19 cũng chỉ chống lại được một số biến chủng nhất định.
Các chuyên gia cũng nhận định không có vaccine nào có tác dụng phòng bệnh 100%, nghĩa là kể cả khi tiêm đủ hai mũi, người dân cũng có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, tỉ lệ này thấp và nếu mắc bệnh, vaccine cũng giúp bảo vệ họ ít chuyển biến nặng hơn.
2. Người đã mắc Covid-19 có kháng thể trong bao lâu?
Kết quả xét nghiệm kháng thể tại những người từng mắc Covid-19 cho thấy, họ có khả năng miễn dịch tự nhiên sau khi tiếp xúc với virus SARS-CoV-2. Hệ miễn dịch sẽ ghi nhớ các dấu vết của mầm bệnh trong giai đoạn hồi phục, giúp tạo ra các kháng thể cần thiết để ngăn ngừa cơ thể khỏi bị nhiễm Covid-19 trong tương lai.
Các nhà khoa học cho rằng, khả năng miễn dịch tự nhiên vẫn ở mức cao nhất trong 03 - 05 tháng sau khi khỏi bệnh, sau đó, giảm dần theo thời gian.
Vì thế, tại Quyết định 4355, Bộ Y tế cũng xếp những người có tiền sử rõ ràng đã mắc Covid-19 trong vòng 06 tháng vào đối tượng trì hoãn tiêm chủng. Sau 06 tháng, họ vẫn được tiêm chủng để giảm nguy cơ tái mắc bệnh.
3. Có nên đi xét nghiệm kháng thể?
Xét nghiệm kháng thể Sars-CoV-2 áp dụng cho nhóm đối tượng có nhu cầu xét nghiệm để biết được cơ thể có kháng thể hay không hoặc người được bác sĩ chỉ định xét nghiệm khi chẩn đoán nghi ngờ bị nhiễm hay đã bị nhiễm Covid-19, kết quả sẽ hỗ trợ chẩn đoán xem cơ thể có kháng thể nhiều hay ít và qua đó biết được đáp ứng sinh kháng thể của người bệnh.
Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa có khuyến cáo xét nghiệm kháng thể Covid-19 trên diện rộng, mà hiện nay mới chỉ có xét nghiệm định lượng kháng thể virus SARS-CoV-2 cho công tác điều trị và nghiên cứu cộng đồng.
Bởi tiêm vaccine cộng đồng mà xét nghiệm kháng thể, chắc chắn sẽ dẫn đến việc so sánh giữa vaccine này với vaccine khác, đồng thời chưa xác định chuẩn nồng độ trong xét nghiệm kháng thể và mỗi loại vaccine có thể giúp tạo ra lượng kháng thể khác nhau, nhưng ngoài kích thích sinh kháng thể thì vaccine còn kích hoạt miễn dịch qua trung gian tế bào, nhìn kháng thể cao chưa chắc đã tốt hơn và ngược lại. Do vậy, nếu xét nghiệm định lượng kháng thể để đánh giá khả năng một người đã đã được bảo vệ là chưa đủ căn cứ khoa học.
4. Các biện pháp phòng ngừa vẫn vô cùng cần thiết
Vaccine ngừa Covid-19 bảo vệ mọi người khỏi lây nhiễm và mắc bệnh nghiêm trọng, đồng thời làm giảm đáng kể khả năng nhập viện và tử vong. Tuy nhiên, sau khi tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19, chúng ta vẫn có thể phải đối mặt với những nguy hiểm tiềm tàng (dù với tỉ lệ rất nhỏ) từ các loại biến thể mới xuất hiện.
Một số người đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể mắc Covid-19. Tình trạng lây nhiễm ở người đã được tiêm chủng đầy đủ được gọi là "lây nhiễm đột phá sau tiêm vaccine".
Ngoài ra, Covid-19 vẫn là mối đe dọa đối với người chưa được tiêm chủng. Một số người mắc Covid-19 có thể bị bệnh rất nghiêm trọng, khiến họ phải nhập viện, và một số người vẫn có các vấn đề sức khỏe kéo dài một vài tuần sau đó hoặc thậm chí lâu hơn sau khi bị nhiễm bệnh. Ngay cả những người chưa từng có triệu chứng khi bị nhiễm bệnh cũng có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe kéo dài này.
Do đó, cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng Covid-19 như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên và khử trùng các vật dụng hàng ngày…để bản vệ bản thân, người thân và cộng đồng.