1. Bệnh sởi ở trẻ em
Bệnh sởi là bệnh lây truyền cấp tính qua đường hô hấp, do vi rút sởi gây nên. Bệnh có đặc điểm lâm sàng là sốt, viêm kết mạc mắt, viêm long đường hô hấp và tiêu hoá, có phát ban dát đỏ mọc tuần tự từ mặt đến thân mình. Bệnh sởi ở trẻ em nếu không phát hiện kịp thời có thể thành dịch.
2. Vì sao bệnh sởi ở trẻ em có diễn biến nhanh và nặng?
Khoảng thời gian lý tưởng cho bệnh sởi ở trẻ em phát triển thường rơi vào mùa đông xuân. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, dịch sởi có thể bùng phát bất cứ thời điểm nào trong năm.
Bệnh sởi là bệnh lây nhiễm cấp tính, thường lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (virus sởi thoát ra ngoài khi người bệnh nói chuyện, ho hay hắt hơi...). Vì vậy, bệnh dễ lây lan nhanh chóng ở những khu vực đông người như: Văn phòng, trường học, khu dân cư....từ đó bùng phát thành dịch.
Đối tượng có khả năng lớn mắc bệnh sởi là trẻ em, là những người có sức đề kháng kém. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể phát triển theo chiều hướng xấu, gây ra những biến chứng của bệnh sởi như viêm não, viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy... thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Hiện nay, bệnh sởi ở trẻ em vẫn chưa có thuốc đặc trị. Phương pháp điều trị cơ bản là khắc phục triệu chứng bệnh, kết hợp với cải thiện chế độ dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
3. Triệu chứng thường gặp ở bệnh sởi
Thông thường bệnh sởi diễn ra 4 thời kỳ:
- Thời kỳ ủ/nung bệnh: Từ 8 - 11 ngày, thường không có biểu hiện lâm sàng.
- Thời kỳ khởi phát (giai đoạn viêm long): Kéo dài 3-4 ngày với sốt nhẹ hoặc vừa, rồi sốt cao. Sau viêm kết mạc mắt đỏ có gỉ kèm nhèm & sưng nề mi mắt, viêm xuất tiết mũi, họng; Chảy nước mắt nước mũi, ho. Còn có thể có hạch ngoại biên to.
- Thời kỳ toàn phát (giai đoạn mọc ban): Kéo dài 4-6 ngày. Ban mọc trong 3 ngày: Tuần tự mọc ở sau tai, lan ra mặt rồi lan xuống đến cổ, ngực, lưng,tay, ngày 3 lan đến chân. Dạng ban là ban hồng, dát sẩn, ban nhỏ hơi nổi gờ trên mặt da, xen kẽ các ban có khoảng da lành. Ban mọc rải rác hay lan rộng dính liền với nhau thành từng đám tròn 3-6 mm.
- Thời kỳ lui bệnh (giai đoạn ban bay): Ban bay theo thứ tự như nó đã mọc. Sau khi ban bay có để lại vết thâm trên da. Thông thường khi ban bay thì hết sốt, trừ khi có biến chứng thì trẻ vẫn sốt sau khi ban bay.
4. Một số biến chứng của bệnh sởi
Khi mắc bệnh, virus sởi xâm nhập vào cơ thể khiến trẻ sốt cao liên tục trong khoảng thời gian dài, lúc này khả năng miễn dịch của cơ thể đã bị giảm sút, vì vậy, nếu không chữa trị kịp thời bệnh sởi ở trẻ em có thể để lại những biến chứng nguy hiểm:
- Viêm tai giữa - đây là biến chứng luôn phải nghĩ tới trước tiên.
- Sởi có thể gây biến chứng là viêm tai giữa.
- Viêm loét giác mạc.
- Viêm não cấp tính chiếm (khoảng 0,1% số ca mắc sởi): Trẻ nhỏ sau khi phát ban (1-15 ngày) xuất hiện các triệu chứng lơ mơ, hôn mê, co giật, đau đầu, nôn, cứng gáy.
- Tiêu chảy.
- Viêm phổi do bội nhiễm các vi khuẩn tụ cầu Influenzae tuýp B, Hemophilus.
- Thể lao tiềm ẩn tái bùng phát do cơ thể bị suy giảm hệ miễn dịch.
Sởi có thể gây biến chứng là viêm tai giữa
5. Phương pháp điều trị bệnh sởi
Phụ huynh cần theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh tình của con, nếu phát hiện những triệu chứng mắc bệnh sởi như đã đề cập ở trên, cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để khám và chữa trị kịp thời, tránh những hậu quả nặng nề về sau.
Trong trường hợp điều trị bệnh tại nhà, cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ bị sởi như sau:
- Trẻ sốt trên 38.5 độ C, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với các trẻ khác lây bệnh
- Vệ sinh thân thể hằng ngày, giữ gìn nơi ở và môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng mát
- Lựa chọn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, dễ tiêu, nấu chín kĩ. Khi ăn nên chia thành nhiều bữa nhỏ.
- Đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin A cho trẻ, tránh loét giác mạc, mù mắt
6. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh sởi?
6.1 Tiêm vắc xin phòng sởi
Phương pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh sởi là tiêm vắc xin. Thông thường, mũi 1 sẽ tiêm vào giai đoạn từ 9-11 tháng tuổi, mũi 2 vào giai đoạn 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, việc tiêm phòng muộn cũng không gây ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của trẻ.
Trong trường hợp trẻ không may tiếp xúc với nguồn bệnh, có thể sử dụng globulin miễn dịch nhằm phòng chống hay kìm hãm sự phát triển của bệnh.
Phương pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh sởi là tiêm vắc xin
6.2 Vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh
Khi trẻ phát hiện mắc bệnh sởi, cần cách ly trẻ với mọi người xung quanh tránh lây lan bệnh, từ đó tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch.
Phụ huynh cần vệ sinh cá nhân cho trẻ hằng ngày, đồng thời giữ gìn nơi ở sạch sẽ thoáng mát, vì môi trường sống ẩm thấp là điều kiện tuyệt vời cho các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
Chú ý cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh và rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn sau khi tiếp xúc. Vệ sinh đường mũi, mắt thường xuyên, vì đây là con đường ngắn nhất giúp virus xâm nhập vào cơ thể gây bệnh.
Bệnh sởi ở trẻ em nếu bất cứ biểu hiện bất thường nào, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.