1. Sâu răng là gì và nguyên nhân gây sâu răng?
Sâu răng là tình trạng men răng, ngà răng bị tổn thương do vi khuẩn tồn tại trong các mảng bám, cặn thức ăn thừa còn sót lại trên kẽ răng gây ra. Vi khuẩn sẽ tiết ra các men chuyển hóa thành phần trong thức ăn thành dạng axit, khi môi trường răng miệng có pH < 5 thì dẫn đến phản ứng hủy khoáng, làm mất dần mô cứng của răng và gây sâu răng.
Bên cạnh nguyên nhân sâu răng ở trẻ do vi khuẩn, một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng sâu răng phải kể đến là:
- Men răng: Trẻ có men răng kém khoáng hóa hay men răng thiểu sản sẽ dễ bị hủy khoáng và tăng khả năng sâu răng tiến triển.
- Cấu trúc răng: Đa phần trẻ bị sâu răng hàm do các răng có rãnh sâu, khiến mảng bám tập trung nhiều và khó làm sạch, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Mặt khác, nếu răng của trẻ có hình dạng bất thường như răng sinh đôi, núm phụ,… thì nguy cơ răng sâu cũng cao hơn.
- Tình trạng mọc răng: Răng mọc chen chúc, lệch lạc làm tăng khả năng lưu giữ mảnh vụn thức ăn và mảng bám, nên dễ bị sâu răng.
- Chế độ ăn nhiều đường: Thói quen ăn uống thực phẩm quá nhiều đường như bánh, kẹo, hoa quả ngọt,… hay bú bình kéo dài trước khi đi ngủ sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng.
- Không vệ sinh răng miệng sạch sẽ: Trẻ đánh răng sai cách hoặc lười đánh răng khiến mảng bám tích tụ nhiều trong khoang miệng và dẫn đến sâu răng.
- Bệnh lý về răng miệng: Trẻ mắc các bệnh lý về răng miệng như viêm nướu, viêm tủy răng,… có nhiều khả năng bị sâu răng hơn.
- Di truyền: Phụ nữ mang thai bị viêm nha chu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển răng của trẻ, hoặc làm răng dễ bị thiếu khoáng chất, sứt mẻ.
- Một số yếu tố khác: Căng thẳng, lo âu kéo dài cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sâu răng. Ngoài ra, trẻ bị sâu răng hôi miệng có thể do thiếu Flour – là một chất khoáng tự nhiên, thường có trong kem đánh răng, nước súc miệng. Flour có tác dụng bảo vệ men răng, tránh sâu răng, ngăn hôi miệng.
Hình ảnh sâu răng ở trẻ em do ăn nhiều đồ ngọt, không vệ sinh răng miệng sạch sẽ,… khiến vi khuẩn trong khoang miệng phát triển và ăn mòn răng.
2. Các vị trí răng thường bị sâu
Sau đây là những vị trí răng dễ bị sâu nhất ở trẻ mà ba mẹ cần lưu ý:
– Răng cửa: Thường các bé hay sâu răng cửa sữa nhiều. Do cấu tạo của men răng sữa tương đối yếu so với răng trưởng thành, nên răng sữa dễ bị vi khuẩn tấn công, dẫn tới sâu răng.
– Răng hàm: Đây là vị trí răng có tỷ lệ sâu cao nhất ở cả răng sữa và răng vĩnh viễn. Nguyên nhân do răng hàm có cấu tạo nhiều trũng rãnh, lại nằm cuối khoang miệng nên rất khó làm sạch; đồng thời răng hàm giữ vai trò nhai thức ăn nên men răng dễ bị bào mòn.
Ngoài ra, trong nhóm răng hàm, các răng có vị trí số 6 tính từ vị trí răng cửa cũng có nguy cơ bị sâu cao. Bởi đây là chiếc răng vĩnh viễn mọc sớm nhất khi trẻ lên 6 tuổi, và tham gia nhiều trong hoạt động nhai. Nếu không vệ sinh kỹ càng, răng số 6 dễ bị sâu và suy yếu men răng.
3. Các giai đoạn sâu răng diễn ra như thế nào?
- Tổn thương sớm: Mới xuất hiện các vết đốm trắng đục trên bề mặt răng, ảnh hưởng đến lớp ngoài răng.
- Sâu men răng: Hình thành lỗ ở men răng, sẽ chưa có cảm giác đau, đây là thời gian nên trám răng ngay.
- Sâu ngà răng: Cảm giác ê buốt khi ăn đồ nóng lạnh, xuất hiện mùi hôi miệng, nên trám răng ngay.
- Sâu tủy răng: Trẻ bị sâu răng ăn vào tủy gây đau dữ dội, cần điều trị tủy răng và thực hiện phục hình sứ.
4. Tác hại của sâu răng
Sâu răng không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ. Cụ thể:
4.1. Tác hại của sâu răng sữa
Sâu răng sữa ảnh hưởng đến sức khỏe, ăn nhai và tâm lý của trẻ. Nhất là khi sâu răng sữa ở mức nghiêm trọng, buộc phải nhổ bỏ quá sớm (trước 6 tuổi), có thể làm cho răng vĩnh viễn của trẻ mọc lên bị lệch lạc.
4.2. Tác hại của sâu răng vĩnh viễn
Viêm nhiễm có thể xuất hiện nếu răng vĩnh viễn của trẻ bị sâu kéo dài không điều trị, từ đó tăng nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm với sức khỏe như:
- Mô nướu xung quanh răng sâu sưng, viêm nặng.
- Trẻ bị sâu răng vào tủy gây ra những cơn đau buốt dữ dội.
- Viêm nhiễm ở vùng chóp (cuống răng), áp xe chóp răng.
- Ổ nhiễm trùng từ chóp răng lan rộng có khả năng gây viêm xương hàm, tiêu xương, phá hủy xương hàm.
Chính vì những tác hại khó lường do sâu răng gây ra, tốt hơn hết, phụ huynh nên chú trọng quan tâm chăm sóc sức khỏe răng miệng của trẻ. Không nên để trẻ bị sâu răng, đặc biệt là sâu răng sữa sớm vì có thể ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn về sau.
5. Trẻ bị sâu răng phải làm sao? Điều trị như thế nào?
Việc đầu tiên là phải đưa trẻ đi thăm khám, tùy vào từng mức độ sâu răng mà sẽ có cách điều trị khác nhau:
5.1. Răng mới chớm sâu
Đối với trường hợp trẻ có răng chớm sâu, nhiều phụ huynh khá thắc mắc trẻ bị sâu răng có nên trám không? Theo đó, trám răng (còn được gọi là biện pháp tái khoáng), sử dụng các chất calcium, phosphate, fluorine để trám vào chỗ sâu, ngăn chặn không cho sâu tiếp tục phát triển. Biện pháp này thường được sử dụng với trường hợp trẻ từ 2 – 3 tuổi bị sún răng nhẹ, nếu trám sớm sẽ giúp giữ được đầy đủ răng trên hàm.
Đối với các trường hợp tổn thương sâu răng sớm, mới xuất hiện những vệt màu trắng, chưa có lỗ sâu thì bác sĩ sẽ sử dụng biện pháp tái khoáng.
5.2. Sâu răng nặng
Trường hợp sâu nặng, nghĩa là răng của trẻ đã hình thành những lỗ sâu màu đen, gây đau nhức, hoặc gãy vỡ mẻ răng, thì nha sĩ sẽ thăm khám xem tình trạng này có lan tới tủy hay không. Nếu tủy bị viêm nhiễm thì cần điều trị nội nha trước nhằm bảo tồn răng, sau đó mới tiến hành trám.
5.3. Sâu răng nghiêm trọng, gây viêm tủy cấp, áp xe xương ổ răng
Trong một số trường hợp khi răng sâu đã ở mức nghiêm trọng, các bác sĩ sẽ cân nhắc nhổ răng sâu cho trẻ để tránh biến chứng làm ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn sau này.
6. Cách ngăn ngừa sâu răng ở trẻ
Để bảo vệ răng và ngăn ngừa sâu răng trẻ em, ba mẹ hãy tham khảo một số cách phòng tránh sâu răng dưới đây:
6.1. Hướng dẫn bé chải răng đúng cách
Ngay từ khi trẻ mọc răng sữa, phụ huynh nên hướng dẫn bé cách chải răng đúng từ trong ra ngoài, thời gian chải ít nhất 2 phút, 2 lần/ngày. Đồng thời, chọn loại kem đánh răng phù hợp cho trẻ có công thức không đường, chứa Xylitol và Active Fluoride để chống sâu răng. Ngoài ra, mẹ nên chú ý thay bàn chải cho bé mỗi 2 tháng/lần hoặc thay khi lông bàn chải có hiện tượng thô cứng.
6.2. Xây dựng chế độ ăn khoa học, lành mạnh
Nhằm ngăn chặn vi khuẩn phát triển gây sâu răng, phụ huynh nên hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt, thức uống có gas và bú bình sữa vào ban đêm. Bên cạnh đó, mẹ nên điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học với các thực phẩm tốt cho răng như sữa chua, sữa, nước lọc, rau xanh, trái cây.
6.3. Tập cho bé thói quen súc miệng bằng nước muối
Nước muối có khả năng khử trùng, kháng viêm rất tốt. Vì thế, súc miệng bằng nước muối thường xuyên sẽ giúp bé phòng chống bệnh sâu răng. Bạn chỉ cần pha 1 muỗng muối nhỏ với ít nước, sau đó cho bé súc miệng sạch. Bạn có thể cho bé súc vào mỗi tối sau khi đánh răng.
6.4. Chú ý cạo vôi răng cho bé
Cạo vôi răng định kỳ cho trẻ, có thể là 3 lần/2 năm hoặc tùy thuộc vào tình trạng vôi răng của trẻ để có số lần cạo phù hợp.
6.5. Đưa trẻ đi thăm khám nha khoa định kỳ
Mỗi 6 tháng phụ huynh nên đưa bé đi thăm khám nha khoa để bác sĩ kiểm tra và kịp thời phát hiện sâu răng.
Nhìn chung, sâu răng ở trẻ nếu không điều trị sớm có thể ảnh hưởng đến sức nhai, phát âm và tình trạng mọc răng. Do vậy, nếu phát hiện trẻ có biểu hiện sâu răng, ba mẹ nên đưa con đi điều trị ngay, không nên chần chừ.