Sáng 28/10, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết theo kế hoạch Bộ Y tế chúng ta sẽ bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer cho trẻ em, trước mắt là cho đối tượng 12 - 17 tuổi, ưu tiên theo thứ tự nhóm tuổi cao đến thấp, trẻ trong độ tuổi từ 16 - 17 tuổi sẽ tiêm trước.
Riêng tại TP Hà Nội, ngành Y tế đã lên danh sách khoảng 680.000- 840.000 trẻ thuộc đối tượng tiêm vaccine COVID-19. Hiện Thành phố cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án, cũng như điều kiện cần thiết tại các cơ sở tiêm chủng cho trẻ.
"Hà Nội sẽ tiến hành tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ ngay sau khi được phân bổ lượng vaccine cần thiết" - ông Tuấn thông tin.
Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em ở TP HCM. Ảnh: VNN
Bổ sung thông tin, ông Ngô Khánh Hoàng - Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm thuộc CDC Hà Nội cho hay hiện Thành phố vẫn tiếp tục rà soát các đối tượng, nếu có đầy đủ vaccine sẽ triển khai tiêm diện rộng.
Theo ông Hoàng, Hà Nội có 2 phương án triển khai tiêm. Nếu học sinh đi học đầy đủ sẽ tiêm tại trường học, bởi thời gian qua ngành Y tế và ngành Giáo dục đã phối hợp rất tốt trong các chiến dịch tiêm chủng mở rộng cho trẻ em. Còn nếu dịch diễn biến phức tạp sẽ tiêm tại cộng đồng.
Theo ông Tuấn, công tác chuẩn bị và triển khai tiêm chủng cho đối tượng này sẽ đặc biệt khó khăn hơn, do số lượng người nhà buộc phải đi cùng trẻ khi tiêm, cũng như những tâm lý lo sợ điển hình ở trẻ, như hiệu ứng dây chuyền, hiệu ứng blouse trắng… "Đôi khi phản ứng sau tiêm của trẻ là do tâm lý chứ chưa hẳn là do vaccine" - ông Tuấn nói.
Do đó, các cơ sở tiêm chủng cần chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của trẻ và người giám hộ, cũng như chuẩn bị các phương án để tiêm cho trẻ an toàn ngay tại các trường học…
Điều lưu ý thứ hai là sự chuẩn bị tâm lý trước và trong khi tiêm cho trẻ. Phụ huynh cần động viên, trấn an các cháu để tránh tâm lý lo sợ, tương tự như khi tiêm các loại vaccine khác.
Ngoài ra, việc theo dõi sau tiêm rất quan trọng. Các cháu còn nhỏ tuổi, đôi khi chểnh mảng, chưa thể tự theo dõi và báo lại kịp thời các phản ứng sau tiêm. Do đó gia đình cần quan tâm nhiều hơn phản ứng sau tiêm của trẻ trong ít nhất 7 ngày đầu, trong đó đặc biệt là 30 phút sau khi tiêm cần được cán bộ y tế theo dõi sát sao.
"Tuy nhiên nhìn chung, phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19 ở trẻ 12 - 17 tuổi hầu như không có gì quá khác biệt so với người lớn" - bác sĩ Tuấn nhận định.
Giải thích cụ thể hơn, ông Tuấn nói trẻ em từ 12 tuổi đã có cơ thể phát triển tương đương người lớn, do đó phản ứng sau tiêm hầu như không khác biệt so với người lớn. Quan trọng nhất vẫn là vấn đề khám sàng lọc trước tiêm vaccine để có được chỉ định chính xác, đảm bảo tiêm an toàn, đúng đối tượng, bởi hiện nay nhiều trẻ em trong độ tuổi 12 - 17 cũng đã xuất hiện những bệnh lý nền, bao gồm ung thư, tiểu đường...
Ông Ngô Khánh Hoàng cũng khuyến cáo tất cả các loại vaccine có tỷ lệ phản ứng nhất định, bất cứ loại vaccine nào cũng vậy nhưng tỷ lệ thấp nên các bậc phụ huynh yên tâm, không nên trì hoãn việc tiêm vaccine cho trẻ và công tác chuẩn bị tâm lý.