1. Cúm A/H9 là gì?
Bệnh cúm A nói chung trong đó có cúm A/H9 là bệnh do virus gây ra tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp. Người bệnh thường có các triệu chứng ho, sốt, nhức đầu, khó chịu… Tỷ lệ tử vong do cúm A tùy theo các chủng khác nhau.
Trước đây, chủng cúm A/H9N2 cũng đã gây bệnh ở một số nước Châu Á như Trung Quốc, Campuchia... Đây là chủng cúm gia cầm (gặp ở gà) sau đó lây sang người. Từ năm 2015 đến nay, ở khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận 98 trường hợp mắc cúm A/H9N2 trong đó có 2 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong này thấp hơn so với tỷ lệ tử vong do cúm A/H5N1 gây ra.
Tại Việt Nam, trường hợp đầu tiên mắc cúm A/H9 hiện chưa xác định được kháng nguyên N để biết đó có phải cúm A/H9N2 hay không? Trong trường hợp đó là chủng A/H9N2 thì độc lực có thể thấp hơn cúm A/H5N1 và A/H7N9.
2. Cúm gia cầm có lây không?
Có rất nhiều chủng virus khác nhau với 18 loại kháng nguyên H và 11 kháng nguyên N. Khi các kháng nguyên kết hợp với nhau sẽ sinh ra các chủng khác nhau và có thể lên tới 198 tổ hợp.
Chỉ có một số ít trong các chủng cúm gia cầm có thể gây bệnh cho người thông qua tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, giọt bắn, sử dụng gia cầm bị bệnh… Các chủng cúm A khác thường gặp như H5N1, H7N9, H7N3, H9N2, H10N8 đều có thể lây từ gia cầm sang người. Tính tới thời điểm hiện tại, trong các chủng cúm A có cúm A/H1N1 lây trực tiếp từ người sang người.
Hiện có một số bằng chứng cho rằng các chủng cúm nói trên có thể lây từ người sang người nhưng điều này chưa được khẳng định chắc chắn. Các virus đều có khả năng biến đổi nhanh và đột biến cao, do vậy không loại trừ trường hợp virus cúm A có thể biến đổi thành chủng mới có khả năng lây từ người sang người.
3. Biểu hiện mắc cúm gia cầm
Bệnh cúm gia cầm gây ra bệnh cảnh về hô hấp nặng nề với tỷ lệ tử vong khá cao. Biểu hiện của cúm gia cầm tương tự với cúm A ở người, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như:
- Sốt
- Ho
- Đau đầu
- Khó chịu
- Dấu hiệu của viêm long đường hô hấp: chảy nước mũi, hắt hơi…
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra tình trạng viêm phổi do virus, các tổn thương tiến triển rất nhanh có thể gây suy hô hấp, thậm chí khiến người bệnh tử vong.
4. Phòng chống cúm gia cầm bằng cách nào?
Đến nay, cúm gia cầm lây sang người như cúm A/H5N1, A/H7N9, A/H9N2… gây bệnh trên gia cầm thường ở mức độ nhẹ, do vậy khả năng phát hiện sớm ổ dịch gặp khó khăn. Để chủ động phòng ngừa dịch cúm gia cầm, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Khi có những triệu chứng lâm sàng nêu trên cần tới cơ sở y tế để thăm khám, xét nghiệm. Trong trường hợp mắc cúm A cần được cách ly, điều trị sớm.
- Chủ động phòng bệnh bằng cách đeo khẩu trang, che tay khi ho, hắt hơi, rửa tay thường xuyên, vệ sinh nơi ở, nơi làm việc bằng dung dịch sát khuẩn.
- Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc hoặc chưa được kiểm dịch. Không ăn gia cầm ốm, chết, đảm bảo ăn chín uống sôi.
5. Điều trị cúm gia cầm
Khi mắc virus cúm A nói chung và cúm A từ gia cầm nói riêng, người bệnh có thể sẽ được sử dụng một số loại thuốc đặc hiệu để điều trị. Các thuốc này có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus. Tuy nhiên các loại thuốc đặc hiệu chỉ có giá trị nhất định trong giai đoạn sớm khi mới nhiễm bệnh. Chủ yếu là việc điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng, bù nước, điện giải. Khi người bệnh có những biểu hiện của bội nhiễm cần sử dụng kháng sinh, hoặc những trường hợp nặng cần can thiệp hô hấp chuyên sâu như thở oxy, thở máy, tim phổi nhân tạo…