Sau đây là các bệnh trẻ thường gặp phải khi giao mùa mùa đông, cha mẹ cần lưu ý:
1. Bệnh cúm
Dấu hiệu nhận biết: Sốt trên 38 độ, nghẹt mũi, sổ mũi, đau họng, biếng ăn, hay quấy khóc, khó ngủ… trường hợp nặng có thêm các triệu chứng như sốt li bì, trẻ đau tai, trong tai có dịch, đau mắt.
Cách điều trị: Ở mức độ nhẹ, bố mẹ tự điều trị ở nhà cho trẻ bằng cách dùng thuốc hạ sốt cách 4-6 giờ, bổ sung nước để cân bằng điện giải. Với các trường hợp nặng, trẻ nên được đưa đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám và có phương pháp điều trị thích hợp.
Biện pháp phòng ngừa: Tiêm vắc xin phòng cúm mỗi năm, nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
2. Viêm phổi
Trẻ thường mắc viêm phổi do nhiễm một số vi khuẩn như phế cầu, tụ cầu vàng.
Dấu hiệu nhận biết: Trẻ thở nhanh liên tục (60 lần/phút (đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi), trên 50 lần/phút (đối với trẻ từ 2 tháng- 1 tuổi) hoặc trên 40 lần/phút (với trẻ trên 1 tuổi), thở gắng sức (rút lõm lồng ngực), thở rít, sốt, ho.
Cách điều trị: Trẻ nên được đưa đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám, đánh giá tình trạng và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Biện pháp phòng ngừa: Đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các vắc xin như: Bạch hầu-ho gà- uốn ván, Hib, cúm, phế cầu...Đồng thời bổ sung đầy đủ dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho trẻ, tránh xa các nguồn lây nhiễm bệnh.
3. Sốt xuất huyết
Do virus Dengue gây ra, lây nhiễm qua vật chủ trung gian là muỗi vằn
Dấu hiệu nhận biết: Trẻ sốt cao kéo dài, mệt mỏi, chán ăn, phát ban, nổi mẩn trên da. Trường hợp nặng có thể dẫn đến xuất huyết nặng, suy gan, suy thận.
Cách điều trị: Chủ yếu tập trung vào việc điều trị triệu chứng như hạ sốt, bù nước, truyền dịch,…Báo ngay cho bác sĩ nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường hoặc sốt cao liên tục không hạ. Với trẻ dưới 1 tuổi cần phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị.
Biện pháp phòng ngừa: Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt muỗi, lăng quăng và phòng tránh muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ màn, bôi kem chống muỗi, sử dụng vợt điện diệt muỗi.
4. Tay chân miệng
Dấu hiệu nhận biết: Trẻ sốt, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy kèm theo loét miệng, phát ban, nôn; các trường hợp nặng có thể gây các biến chứng về thần kinh.
Cách điều trị: Điều trị triệu chứng như giảm đau, hạ sốt và ngăn ngừa các biến chứng. Chế độ nghỉ ngơi hợp lý và theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên. Nếu có dấu hiệu chuyển biến nặng như: sốt cao liên tục; thở mệt; giật mình, rung chi, chới với, quấy khóc, bứt rứt, đi loạng choạng; ngủ nhiều, li bì; co giật, hôn mê; trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Biện pháp phòng ngừa: Giữ vệ sinh cá nhân: rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày. Thức ăn cho trẻ và gia đình cần đầy đủ dinh dưỡng, ăn chín, uống chín kết hợp vệ sinh, khử trùng sạch sẽ đồ chơi, những bề mặt tiếp xúc hàng ngày.
5. Viêm não Nhật Bản
Dấu hiệu nhận biết: Sốt cao 39 – 40 độ C, biếng ăn, ho, chảy nước mũi kèm theo đi lỏng, đau bụng, nôn ói nhiều. Cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và xét nghiệm khi có các triệu chứng trên.
Cách điều trị: Trẻ nên được đưa đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám và điều trị.
Biện pháp phòng ngừa: Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng chống và tiêu diệt muỗi trong các hộ gia đình. Thực hiện tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đúng lịch và đầy đủ các liều cơ bản.