Bị cảm cúm ăn gì cho nhanh khỏi?
Người mắc cúm thường có triệu chứng sốt cao, nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng, ho với cơn ngắn không có đờm, đặc biệt người bệnh thường có biểu hiện đau đầu, đau nhức cơ thể, chán ăn, ăn không ngon miệng và cảm giác gần như kiệt sức.
Sau khi mắc cúm, một số người có thể bị suy giảm sức đề kháng nên dễ mắc các biến chứng do bội nhiễm vi khuẩn như viêm phế quản phổi, viêm mũi xoang,… Đặc biệt với các đối tượng có nguy cơ cao như: trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người lớn tuổi, người mắc các bệnh lý nền mãn tính, phụ nữ đang mang thai,… có tỷ lệ gặp di chứng nặng cao hơn.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết: Hầu hết người bệnh cúm đều tăng nhu cầu dinh dưỡng do năng lượng bị tiêu hao, nếu không bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và đúng cách, họ rất dễ suy dinh dưỡng nặng. Tình trạng thiếu dinh dưỡng làm tăng nguy cơ bội nhiễm, bệnh trở nặng, kéo dài thời gian hồi phục, tăng chi phí điều trị. Do đó, để chủ động chăm sóc và điều trị cúm hiệu quả, người bệnh cần chú ý vào chế độ dinh dưỡng để nâng cao đề kháng, ngăn ngừa biến chứng và hỗ trợ hồi phục sức khỏe nhanh nhất bằng các loại thực phẩm dưới đây:
1. Các loại thực phẩm giàu kẽm
Kẽm là vi chất mà cơ thể rất cần để các tế bào miễn dịch có thể hoạt động tối ưu. Khi bị cúm, việc tăng cường bổ sung các thủy hải sản có vỏ giàu kẽm như thịt, cá, tôm, sò, hàu, trứng, sữa,… rất cần thiết, vì đây là thực phẩm giúp tăng cường miễn dịch, sức khỏe sớm phục hồi, duy trì vị giác và khứu giác, nâng cao thể trạng. Kẽm tham gia vào hàng trăm enzym chuyển hóa trong cơ thể, nếu thiếu kẽm thì rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp, đường tiêu hóa do sức đề kháng bị suy giảm.
2. Rau xanh
Các loại rau xanh cũng là thực phẩm mà người mắc bệnh cúm nên ăn. Cải bó xôi (rau chân vịt), cải xoăn và các loại rau lá xanh khác nằm trong danh sách các loại thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng hiệu quả, bởi rau xanh không chỉ giàu vitamin C, E mà còn chứa rất nhiều chất chống oxy hóa và beta carotene . Đây điều là những chất có tác dụng tăng khả năng chống viêm cho hệ miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể, đặc biệt sức đề kháng của da – lớp “áo giáp” đặc biệt của cơ thể chống lại các tác nhân gây hạn, đặc biệt là virus gây bệnh.
3. Bông cải xanh
Bông cải xanh là loại thực phẩm chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe (giàu hàm lượng vitamin A, C, E). Chất sulforaphane có trong bông cải xanh chống oxy hóa, làm giảm căng thẳng, làm chậm sự suy giảm của hệ thống miễn dịch, bảo vệ niêm mạc đường hô hấp … Đây là một trong những loại rau rất tốt cho sức khỏe, có thể đưa vào chế độ dinh dưỡng mỗi ngày, chứ không chỉ riêng cho người đang bị cúm.Bông cải xanh là nguồn cung cấp năng lượng và dinh dưỡng dồi dào, mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể khi bị cúm.
Bông cải xanh là nguồn cung cấp năng lượng và dinh dưỡng dồi dào, mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể khi bị cúm
4. Gừng
Gừng là thực phẩm quan trọng hàng đầu được nhiều người sử dụng khi đang bị cúm hoặc sau khi ốm dậy. Theo các nghiên cứu mới nhất, gừng có tác dụng tăng cường miễn dịch của cơ thể, giảm viêm, giảm đau, giúp ngăn ngừa, điều trị các bệnh viêm nhiễm và làm chậm quá trình tạo cholesterol. Ngoài ra, gừng có thể giảm nôn, buồn nôn rất hiệu quả và là “liều thuốc” rất quan trọng cho hệ miễn dịch.
5. Các loại trái cây giàu vitamin C
Vitamin C là chất dinh dưỡng quan trọng giúp kháng viêm, tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả, đặc biệt rất hữu ích đối với người đang bị cúm vì dưỡng chất này giúp tăng khả năng sản sinh của bạch hầu trong máu. Tuy nhiên, cơ thể mỗi người lại không thể tự sản sinh hoặc tổng hợp vitamin C mà cần phải được bổ sung qua các thực phẩm để cải thiện sức khỏe. Các loại trái cây họ cam chanh như cam, quýt, chanh, bưởi,… là nguồn thực phẩm rất giàu vitamin C
Cung cấp nhiều thực phẩm giàu vitamin C sẽ giúp người bệnh nhanh khỏi bệnh và giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng
6. Các loại hạt ngũ cốc
Ngũ cốc cũng là loại thực phẩm tốt cho người bệnh cúm. Các loại ngũ cốc nguyên hạt như lúa mì, quinoa, gạo và yến mạch,… đều có chứa một lượng chất béo, chất xơ cũng như một số vitamin và các khoáng chất khác đáng kể, hỗ trợ người bị cúm nhanh khỏi bệnh. Tuy nhiên, cũng như các loại đậu, ngũ cốc tinh chế có chứa phytate – yếu tố làm giảm khả năng hấp thụ kẽm.
Ngũ cốc nguyên hạt chứa ít phytate hơn các phiên bản tinh chế có thể khiến cơ thể giúp hấp thu kẽm nhiều hơn. Đồng thời, việc ăn ngũ cốc nguyên hạt cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng tốt cho sức khỏe như chất xơ, vitamin B, magie, sắt, phốt pho, mangan và selen. Trên thực tế, ăn ngũ cốc nguyên hạt hỗ trợ kéo dài tuổi thọ và một số lợi ích sức khỏe khác, bao gồm giảm nguy cơ béo phì, tiểu đường tuýp 2 và bệnh lý tim mạch. Do vậy, hạt ngũ cốc trở thành thực phẩm tuyệt vời và rất cần thiết bổ sung vào chế độ ăn uống.
Người bị cúm không nên ăn gì?
Việc tránh những sai lầm trong chế độ dinh dưỡng khi bị cúm rất quan trọng vì nếu dinh dưỡng không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, khiến thời gian bị cúm kéo dài, sức khỏe lâu hồi phục hơn. Dưới đây là các thực phẩm người mắc cúm cần kiêng ăn:
Thức ăn cứng
Khi bị cúm, cổ họng người bệnh bị đau rát, khó chịu khiến việc ăn uống sẽ rất khó khăn. Vì vậy, người bị cúm không nên ăn các loại thực phẩm cứng để tránh cơn đau trở nên trầm trọng. Người bệnh chỉ nên ăn các món được nấu mềm lỏng, dễ nuốt, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, có tác dụng giải cảm, rất tốt khi bị cảm cúm như: cháo gà, cháo thịt bằm, cháo trứng, cháo hành, tía tô,…
Thức ăn nhanh
Thức ăn nhanh và sản phẩm đóng hộp chứa rất nhiều chất tạo màu, chất bảo quản và hóa chất gây hại cho sức khỏe. Đây là những thực phẩm được chế biến theo quy trình nên rất ít chất dinh dưỡng, do đó đây là những món ăn người bệnh cúm nên kiêng. Thay vào đó, để cơ thể nhanh chóng hồi phục, người bệnh nên lựa chọn những thực phẩm tươi, sống và giàu chất dinh dưỡng.
Thức ăn nhiều dầu mỡ
Các thực phẩm nhiều dầu mỡ, chiên xào,… khiến người bệnh chướng bụng, đầy hơi và cần tiêu hao năng lượng để tiêu hóa. Sau những ngày đau ốm kéo dài, để cải thiện hệ tiêu hóa, người bệnh nên lựa chọn các phương pháp chế biến món ăn nhẹ nhàng như: luộc, hấp, cháo, súp,…
Khi bị cúm, nên lựa chọn những món ăn nhẹ nhàng, thanh đạm và dễ tiêu như cháo, súp,…
Mắc bệnh cúm nên kiêng gì?
Không làm việc quá sức
Tình trạng làm việc quá sức sẽ khiến cho cơ thể người mắc cúm mệt mỏi, căng thẳng và khiến bệnh diễn tiến nặng hơn. Thay vào đó, cần ngủ đủ giấc, thư giãn ở những nơi thoáng khí, tránh gió, không thức quá khuya, không nên suy nghĩ quá nhiều, không để tinh thần căng thẳng, stress,… Nếu có thể thực hiện đúng và đủ những điều trên thì sức khoẻ sẽ nhanh chóng hồi phục.
Không tập thể dục quá nhiều
Cúm có thể làm tăng nguy cơ mất nước, đặc biệt nguy hiểm nếu người bệnh có hoạt động tập thể dục cường độ cao. Việc vận động quá mức khi đang bị cúm cũng làm kéo dài tình trạng bệnh hoặc trì hoãn sự phục hồi của cơ thể. Tuy nhiên, trên thực tế việc tập thể dục có thể giúp mở thông mũi, giúp người bệnh thở tốt hơn. Hãy cân nhắc xem tình trạng sức khỏe của bản thân trước khi tập hoặc giảm cường độ và thời gian tập luyện. Bạn có thể tập các bài thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga,… và không nên tập quá nhiều.
Một số câu hỏi thường gặp về chế độ dinh dưỡng cho người bị bệnh cúm
Bị cúm có nên ăn sữa chua không?
Người bị bệnh cúm nên ăn sữa chua vì sữa chua chứa hàm lượng lớn lợi khuẩn (Probiotics), khi lợi khuẩn này vào đường ruột sẽ ức chế vi khuẩn có hại, cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Gần 70% hoạt động của hệ miễn dịch diễn ra trong ruột. Hệ tiêu hóa càng tốt thì sức đề kháng càng mạnh. Sữa chua là nguồn cung vitamin D tuyệt vời, tăng khả năng phòng thủ tự nhiên hoàn hảo chống virus, đồng thời giúp người bệnh có làn da mịn màng.
Cúm uống nước tỏi, ăn tỏi nướng được không?
ĐƯỢC! Tỏi được ví như loại “thần dược” giúp phòng cúm và viêm đường hô hấp, tăng huyết áp, mỡ máu,… hiệu quả. Bởi trong tỏi chứa nồng độ lớn iod và tinh dầu (giàu glucogen và allicin, fitonxit) có tác dụng diệt vi khuẩn bằng cách ức chế các enzyme có chứa lưu huỳnh cần thiết, chống viêm hiệu quả.
Ngoài ra, tỏi còn chứa hàm lượng lớn vitamin A, B, C, D,… và rất nhiều khoáng chất cần thiết như i-ốt, canxi, magie,… Chính vì vậy, tỏi là thực phẩm hàng đầu không chỉ giúp nâng cao sức đề kháng mà còn giúp phòng tránh các dịch bệnh khác như cúm.
Người bệnh cúm có ăn trứng gà, trứng vịt lộn được không?
Người bệnh cúm vẫn có thể ăn ĐƯỢC trứng gà, trứng vịt lộn. Mặc dù trứng không chứa một lượng kẽm lớn như một số loại thực phẩm khác, nhưng trứng cung cấp 1 lượng kẽm nhất định, theo nghiên cứu 1 quả trứng lớn chứa khoảng 5% lượng kẽm yêu cầu của ngày, đồng thời cung cấp đi kèm 77 kalo, 6 gram protein, 5 gram chất béo lành mạnh và các loại vitamin khoáng chất khác, bao gồm vitamin B và selen. Đặc biệt, trứng nguyên chất là một nguồn choline (4) quan trọng – chất dinh dưỡng mà hầu hết mọi người đều bị thiếu hụt.
Đã có lo ngại về cholesterol đối với trứng nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy nếu sử dụng cả lòng đỏ và lòng trắng trứng với mức độ vừa phải thì sẽ không thừa cholesterol mà còn nhận được rất nhiều dưỡng chất từ trứng.
Trứng là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, dùng để bồi bổ sức khỏe cho người ốm rất tốt, tuy nhiên cần cân đối liều lượng khi ăn
Bị cúm ăn thịt gà, thịt vịt được không?
Người mắc bệnh cúm KHÔNG NÊN ăn thịt gà, thịt vịt. Mặc dù thịt gia cầm như thịt gà, thịt vịt,… có chứa rất nhiều vitamin B6, đây là vi chất cực tốt hỗ trợ cho phản ứng xảy ra trong cơ thể, cần thiết để hình thành các tế bào hồng cầu mới và khỏe mạnh. Tuy nhiên, người bị mắc cúm cơ thể sẽ ở trong trạng thái mệt mỏi, chức năng tiêu hóa giảm sút. Thịt vịt có lượng mỡ tự nhiên khá cao, sẽ cản trở quá trình hấp thụ và tiêu hóa chất dinh dưỡng trong cơ thể. Bên cạnh đó, thịt vịt còn có tính hàn có thể khiến diễn tiến nghiêm trọng hơn.
Vì vậy, khi bị cúm, tốt nhất người bệnh nên hạn chế ăn thịt vịt. Thay vào đó, hãy chọn các loại thịt heo,… để chế biến những món ăn nhẹ nhàng, thanh đạm và dễ tiêu.
Trên đây là toàn bộ thông tin về người bị cảm cúm ăn gì? kiêng ăn gì? để bệnh nhanh khỏi. Chế độ dinh dưỡng tốt kết hợp với liệu pháp điều trị giúp ngăn ngừa, hỗ trợ và khắc phục tình trạng nhiễm trùng do virus cúm. Ngoài ra, virus cúm luôn biến đổi hàng năm, để dự phòng hiệu quả, trẻ em và người lớn cần chủ động chủng ngừa vắc xin cúm hàng năm để bảo vệ sức khỏe toàn diện.