1. Nguyên nhân và đường lây truyền của bệnh:
- Do trực tiếp hít phải những giọt nước bọt trong không khí có chứa vi rút thuỷ đậu hoặc qua tiếp xúc với tổn thương da ở người bị thuỷ đậu.
- Bệnh xuất hiện quanh năm và lây lan nhanh, xuất hiện nhiều nhất là khi thời tiết chuyển mùa từ mùa xuân sang mùa hè.
- Bệnh xảy ra phần nhiều ở trẻ em, nhưng cũng không ít người lớn mắc bệnh này.
- Bệnh có thể rải rác ở các gia đình hoặc bùng phát thành các vụ dịch ở những nơi đông dân cư, trường học,...
2. Triệu chứng của bệnh thủy đậu
Khi bệnh khởi phát có sốt nhẹ (có khi sốt cao 39-40oC kèm viêm long đường hô hấp trên). Thời kỳ toàn phát, với triệu chứng nổi mụn nước ở vùng đầu mặt, chi và thân. Mụn nước xuất hiện rất nhanh, trong vòng 12-24 giờ có thể nổi toàn thân. Mụn nước có đường kính từ l-3mm, chứa dịch trong; tuy nhiên, những trường hợp nặng, mụn nước sẽ to hơn hay khi bội nhiễm vi khuẩn thì mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.
Ngoài mụn nước, trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn; trẻ lớn hơn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, buồn nôn và nôn. Bệnh sẽ kéo dài từ 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt thủy đậu sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm thêm vi khuẩn thì mụn nước có thể để lại sẹo. Người bị nhiễm bệnh có thể bị từ vài mụn thủy đậu cho đến vài trăm mụn trên thân thể.
3. Biến chứng của thủy đậu
Bản chất của bệnh thủy đậu là một bệnh lành tính nhưng không chăm sóc và điều trị đúng, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng viêm da do bội nhiễm vi khuẩn: Khi các nốt mụn vỡ, hoặc bị trầy xước, bong tróc có thể gây viêm nhiễm, sưng tấy, nhiễm khuẩn da, có mủ... gọi là bội nhiễm da thứ phát. Sau khi khỏi bệnh, các mụn thủy đậu này cũng để lại sẹo sâu trên da, rất khó hồi phục.
Biến chứng viêm tai (viêm tai ngoài, viêm tai giữa) viêm thanh quản, viêm phổi... Các mụn rộp của thủy đậu có thể mọc trong tai, gây viêm nhiễm ống tai, mọc trong họng gây đau loét họng. Một số trường hợp nặng có thể viêm cầu thận cấp. Biến chứng nặng nhất là viêm não ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài của trẻ.
4. Điều trị bệnh thủy đậu
Khi trẻ sốt cao, cần cho uống thuốc hạ nhiệt: paracetamol...; uống thuốc an thần chống co giật; chống ngứa bằng các thuốc kháng histamin. Khi có bội nhiễm, dùng kháng sinh thích hợp. Đặc biệt chú ý tới công tác chăm sóc: xử lý tốt các nốt phỏng, nốt loét, đề phòng bội nhiễm. Vệ sinh da - giữ cho da khô sạch, không để cho trẻ gãi. Các nốt loét chấm dung dịch xanh methylen hoặc thuốc tím milian, mặc quần áo vải mềm, sạch sẽ; vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý; vệ sinh tai mũi họng; ăn uống đủ dinh dưỡng, giàu các loại vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
5. Cách phòng thủy đậu hiệu quả
Hiện nay đã có 2 vacxin phòng bệnh thuỷ đậu là Varicella (Hàn Quốc) và Varivax (Mỹ) mang lại hiệu quả cao và lâu dài. Việc cho trẻ
tiêm phòng thủy đậu đúng thời gian và đủ liều giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus gây bệnh. Loại vacxin này được áp dụng đối với các độ tuổi như sau:
Vacxin phòng bệnh thủy đậu được chỉ định cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên.
Trẻ em từ 12 tháng đến 12 tuổi:
– Mũi 1: Khi trẻ 12 tháng tuổi. Liều 0,5ml
– Mũi 2: Khi trẻ 4 – 6 tuổi. Liều 0,5ml
Thanh thiếu niên từ 13 tuổi trở lên:
– Mũi 1: Liều đầu 0,5ml
– Mũi 2: Cách mũi 1 từ 4 - 8 tuần. Liều 0,5ml
Thực tế cho thấy những trẻ khi được tiêm phòng vacxin có khả năng phòng ngừa thủy đậu lên đến 90%. Cũng còn khoảng 10% còn lại là có thể bị thủy đậu. Tuy nhiên những trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu và thường không gây biến chứng.
Hi vọng những thông tin hữu ích trên có thể giúp phụ huynh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho bé một cách tốt nhất.