Cúm A là một trong các bệnh cúm mùa phổ biến hiện nay. Cúm A có thể do nhiều chủng virus khác nhau như: H1N1, H3N2, H5N1, H7N9,… Bệnh có thể lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua các hạt nước li ti chứa virus cúm A khi người bệnh ho, hắt hơi, cười, nói chuyện, thậm chí virus có thể bay xa trong không khí với khoảng cách lên đến 1m.
Bệnh cũng có thể lây lan do tiếp xúc, chạm tay với các đồ vật nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng. Việc dùng chung đồ dùng, ly uống nước hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm virus cúm A.
Tỷ lệ mắc cúm A thường cao, đặc biệt là chủng cúm A phổ biến như A/H1N1, A/H3N2,… Tỷ lệ tử vong do cúm A không cao (khoảng 1-4%), nhưng đáng lo nhất là biến chứng nguy hiểm như: bội nhiễm, viêm phổi nặng, viêm cơ tim, suy thận, viêm não, rối loạn suy đa tạng, suy hô hấp – đây là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong. Người bệnh cúm A có thể lây lan bệnh một ngày trước khi bệnh khởi phát và kéo dài đến 7 ngày sau đó.
Chuyên gia dự báo về một mùa cúm rất tồi tệ vào những tháng cuối năm nay nếu không phòng ngừa từ sớm, đặc biệt là với lá phổi của hàng triệu người đã bị Covid-19 tấn công. Tiêm vắc xin cúm nhắc lại hằng năm là cách hiệu quả nhất để bảo vệ hệ hô hấp của trẻ, gia đình và cộng đồng.
Vì sao trẻ em dễ bị nhiễm cúm A?
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ nhiễm các chủng virus cúm A, đặc biệt trẻ em. Chia sẻ về nguyên nhân khiến trẻ em dễ bị tấn công bởi virus cúm A:
Cúm A lây lan như thế nào?
- Thứ nhất, là do trẻ chưa biết cách tự bảo vệ mình khi tiếp xúc với những người xung quanh, môi trường xung quanh mang mầm bệnh (giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên,…), trẻ em gia tăng tiếp xúc cùng nhau ở môi trường mầm non, trường học, khu vui chơi,… cũng là nơi mà virus cúm rất dễ lây lan. Trẻ nhỏ có xu hướng đưa mọi thứ vào miệng nên tỷ lệ nhiễm vi khuẩn, virus thông qua đồ vật rất cao.
- Thứ hai là do trẻ em có sức đề kháng còn non yếu, hệ miễn dịch chưa tự sản xuất được kháng thể tự nhiên trong những năm đầu đời.
- Thứ ba là virus cúm A với đặc trưng tính cảm thụ cao, thời gian ủ bệnh ngắn, dễ lây lan và khả năng tồn tại lâu dài khiến trẻ em dễ mắc bệnh.
Vì sao cần phòng ngừa cúm A cho trẻ?
Thống kê từ
Bộ Y tế cho thấy, cúm A bùng phát trái mùa đã khiến hàng trăm nghìn người nhiễm bệnh, nhiều ổ dịch và ổ lây nhiễm được phát hiện. Nhiều ca bệnh là trẻ em đã xuất hiện biến chứng thần kinh nặng nề như động kinh, viêm cơ tim… Ngoài ra, những trẻ có bệnh lý nền mãn tính như mắc các bệnh lý về đường hô hấp (hen suyễn, viêm phổi mạn tính), tim mạch, thần kinh, gan, thận,… khi nhiễm cúm có nguy cơ diễn tiến nặng, biến chứng nghiêm trọng.
Các tổ chức y tế trên thế giới nhấn mạnh cúm mùa đã và đang là một thử thách của toàn nhân loại và y học hiện đại, vì cúm là bệnh đã xuất hiện từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa có bất cứ giải pháp tối ưu trong việc điều trị đặc hiệu. Hiện tại chủng ngừa vắc xin là biện pháp đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả nhất để phòng cúm mùa.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn cần tiêm chủng đầy đủ vắc xin cúm và tiêm nhắc lại định kỳ hằng năm.
Virus cúm có khả năng thay đổi cấu trúc kháng nguyên liên tục theo chu kỳ năm, mỗi năm vắc xin cúm ra đời với cập nhật các chủng virus cúm mới giúp ngăn chặn dịch cúm xảy ra.
Cúm phân loại dựa theo cấu trúc của protein bề mặt của virus gồm Hemagglutinin (viết tắt là HA hoặc H) và Neuraminidase (viết tắt là NA hoặc N). Hai loại kháng nguyên này được ví như lớp “áo khoác ngoài” và thay mỗi năm tạo nên những tuýp kháng nguyên mới, đây là những kháng nguyên nguy hiểm hơn cộng thêm yếu tố môi trường, tiếp xúc xã hội và ý thức phòng bệnh khiến cúm có thể lây lan và bùng phát thành dịch.
Cúm A đang diễn biến phức tạp, nhiều trẻ gặp biến chứng nặng nề như viêm phổi, viêm não, suy đa tạng, suy hô hấp,…
Hướng dẫn cách phòng cúm A cho trẻ em
Tiêm vắc xin
Cúm mùa ở trẻ thường là bệnh lành tính, tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có nguy cơ mắc cúm A biến chứng càng nặng, bệnh kéo dài hơn, tốn kém chi phí điều trị. Tiêm chủng vắc xin cúm là biện pháp hiệu quả nhất để phòng cúm A cho trẻ và các biến chứng nguy hiểm như:
- Giảm 36% nguy cơ viêm tai giữa ở trẻ.
- Giảm 33% nguy cơ viêm đường hô hấp trên và giảm 22% viêm đường hô hấp dưới ở trẻ 2 – 5 tuổi.
- Giảm 41% nguy cơ xảy ra cơn hen kịch phát ở trẻ bị hen suyễn.
- Giảm 63% nhiễm cúm ở trẻ sơ sinh.
- Giảm 36% tình trạng hô hấp nặng ở trẻ sơ sinh và người mẹ…
Hiện nay, Việt Nam đang lưu hành 3 loại vắc xin cho hiệu quả bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ mắc bệnh cúm gồm:
- Vắc xin Vaxigrip Tetra (Pháp): phòng 4 chủng virus cúm nguy hiểm nhất là chủng A (A/H3N2, A/H1N1), chủng B (Yamagata, Victoria), chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến người già.
- Vắc xin Influvac Tetra (Hà Lan): phòng 4 chủng virus cúm nguy hiểm nhất chủng A (A/H3N2, A/H1N1), chủng B (Yamagata, Victoria), chỉ định cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn
- Vắc xin GC Flu Quadrivalent (Hàn Quốc): phòng 4 chủng virus cúm nguy hiểm nhất chủng A (A/H3N2, A/H1N1), chủng B (Yamagata, Victoria), chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến người già.
“Tiêm ngừa cúm ngăn ngừa đến 90% nguy cơ mắc cúm đối với 4 chủng virus có trong thành phần vắc xin, ngăn ngừa được 60-80% nguy cơ nhiễm bệnh chung, tùy thuộc độ tuổi và khu vực lưu hành dịch. Vì virus cúm có hàng trăm tuýp, vắc xin chỉ chứa 2 chủng A và 2 chủng B hay gặp nhất trong mùa dịch, nên vắc xin không thể bảo vệ trẻ hoàn toàn 100%. Tuy vậy, vắc xin cho thấy hiệu quả cao giúp giảm triệu chứng bệnh, mức độ nghiêm trọng, nhập viện và tử vong do cúm.”
Tiêm vắc xin cúm cho trẻ là cách phòng cúm A đơn giản, hiệu quả và tiết kiệm nhất
Các cách phòng chống cúm A khác
Ngoài tiêm chủng vắc xin cúm đúng lịch, đủ liều, các phụ huynh cần trang bị các cách phòng chống cúm A cho trẻ khác đơn giản, hiệu quả ngay tại nhà dưới đây:
1. Dạy trẻ ho, hắt hơi đúng cách
Dạy trẻ ho hay hắt hơi đúng cách giúp hạn chế nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm thông qua đường hô hấp. Khi ho, hắt hơi, trẻ cần che kín miệng bằng khuỷu tay hoặc sử dụng khăn giấy, sau đó bỏ khăn giấy vào thùng rác, rồi rửa tay lại bằng xà phòng diệt khuẩn.
Nếu trẻ thấy người khác đang ho hoặc hắt hơi, hãy hướng dẫn trẻ dùng khăn giấy che mặt và đi theo hướng khác, sau đó vứt khăn giấy đó vào thùng rác và rửa tay bằng xà phòng.
2. Hạn chế chạm vào mặt
Tay được xem là “nơi trung gian” truyền bệnh, tay rất hay cầm, nắm, sờ các đồ vật có thể chứa virus gây bệnh. Phụ huynh cần giải thích và hướng dẫn cụ thể cho trẻ về việc hạn chế chạm vào mặt, nhất là vùng chữ T (mắt, mũi và miệng) để phòng bệnh cúm A cho trẻ.
3. Không hôn lên mặt trẻ
Hôn môi, hôn má hay bẹo mặt trẻ em, trẻ sơ sinh vì bé đáng yêu là thói quen của nhiều người lớn. Tuy nhiên thực tế điều này lại có tác hại khiến trẻ dễ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là cúm.
Cúm A có thời gian ủ bệnh dài, triệu chứng bệnh dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường khiến nhiều người khó nhận biết. Vì thế, tốt nhất hãy đảm bảo giữ trẻ ở một khoảng cách an toàn nhất định, nếu ai muốn ôm hôn hay chạm vào trẻ cần rửa tay sạch sẽ trước.
4. Rửa tay sạch sẽ và giữ vệ sinh tay thường xuyên
Rửa tay sạch sẽ theo khuyến cáo bằng các loại xà phòng diệt khuẩn, lau lại bằng khăn giấy, sau đó tắt vòi bằng chính khăn giấy đó và vứt vào thùng rác là cách đơn giản để loại bỏ phần lớn virus cúm có thể bám lại trên tay sau khi chạm vào nhiều đồ vật khác nhau. Ngoài ra, đôi tay là nơi thường xuyên tiếp xúc với những vùng chứa nhiều virus nhất, chẳng hạn như khi trẻ hắt hơi, đưa tay lên mắt, mũi, miệng… nguy cơ mầm bệnh lây lan là không nhỏ và cần được đề phòng.
5. Xây dựng lối sống lành mạnh
Để chủ động phòng cúm cho trẻ, phụ huynh cần đảm bảo chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh: ăn đủ 3 bữa “ăn chín uống sôi” mỗi ngày, ngủ sớm và đủ giấc. Đặc biệt, cần đảm bảo duy trì nhiệt độ phòng ở khoảng 27-28 độ C để giúp trẻ không bị lạnh và tránh nguy cơ bị suy giảm miễn dịch.
Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ cách đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách để loại bỏ virus cúm hiệu quả
6. Phòng cúm A cho trẻ bằng thuốc xịt mũi
Khi thời tiết trở lạnh, thời tiết hanh khô khiến lớp màng nhầy trong mũi của trẻ em bị khô và khó hoàn thành được nhiệm vụ ngăn cản virus cúm lọt vào khí quản, phát triển mạnh và sống lâu hơn. Để đối phó với vấn đề này, sử dụng thuốc xịt mũi sẽ mang lại độ ẩm cần thiết bên trong mũi là điều nên làm.
Do vậy, để chủ động phòng cúm cho trẻ em, phụ huynh cần cho trẻ uống nhiều nước vào mùa khô để cung cấp đủ độ ẩm cho cơ thể, đồng thời giúp quá trình chống virus cúm hiệu quả hơn.
7. Bổ sung vitamin C
Để có sức đề kháng cao, ngăn ngừa cúm mùa hiệu quả, trẻ cần tăng cường hệ miễn dịch bằng cách bổ sung vitamin C hàng ngày. Theo các chuyên gia, vitamin C còn có tác dụng tuyệt vời trong phòng ngừa các biến chứng của cúm. Các thực phẩm giàu vitamin C có thể kể đến như: rau bắp cải, rau bina hoặc một ly nước cam, chanh mật ong,…
8. Cho trẻ vận động phù hợp theo lứa tuổi
Duy trì các hoạt động thể chất sẽ giúp cơ thể trẻ khỏe hơn, tăng cường thể lực, đẩy lùi virus cúm. Việc tập luyện thể chất có thể giúp cho quá trình lưu thông máu diễn ra tốt hơn, quá trình luân chuyển của các tế bào bạch cầu trong cơ thể cũng diễn ra mạnh hơn, giúp cơ thể chống chịu hiệu quả hơn đối với các viêm nhiễm do virus cúm tấn công.
Ở mỗi lứa tuổi của trẻ, phụ huynh có thể lựa chọn các môn thể thao phù hợp. Với bé trai, có thể cho trẻ luyện tập những bộ môn thể thao: chạy bộ, đá banh trong nhà,… Với bé gái, ba mẹ có thể cho trẻ: nhảy dây, học nhảy,… Với những bộ môn thể thao này, trẻ có thể thực hiện trong nhà và khoảng 2-3 buổi/ tuần.
9. Đeo khẩu trang
Cần hướng dẫn trẻ cách đeo khẩu trang đúng, vừa vặn với khuôn mặt khi hoạt động ngoài trời hoặc ở nơi đông người. Nếu không quá cần thiết, nên cho trẻ sinh hoạt và vận động tại nhà.
10. Theo dõi phản ứng của trẻ khi bị sốt
Nếu trẻ sốt dưới 38.5 độ C thì phụ huynh có thể hạ sốt bằng cách chườm khăn mát lên trán; dùng khăn ấm khoảng 30 độ C để lau cơ thể trẻ, nhất là vùng trán, nách và bẹn; cho trẻ uống nhiều nước, tăng cường bổ sung vitamin C. Nếu trẻ sốt cao không giảm, ba mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trên đây là những cách phòng cúm A cho trẻ đơn giản, hiệu quả có thể áp dụng tại nhà. Tiêm chủng vắc xin cúm cho trẻ là biện pháp tối ưu phòng lây lan virus cúm, tránh biến chứng nặng ở đối tượng có sức đề kháng non yếu như trẻ em