Vì sao trẻ biếng ăn hay ngậm thức ăn?
Hai tháng nay, cứ đến bữa ăn là cu Tôm và mẹ là chị Thu Hà (Q. Thủ Đức, TP.HCM) phải “vật lộn” với nhau 2-3 tiếng đồng hồ. Từ khi bắt đầu ăn dặm, bé đã có dấu hiệu biếng ăn. Đặc biệt, lúc mọc 2 chiếc răng hàm trên, đến cữ ăn là bé ngậm cháo trong miệng không chịu nuốt, đôi lúc phun hết ra ngoài, vì vậy tăng cân rất chậm. Nhiều lúc quá bực mình, chị Hà cho con nhịn, sau đó, bé đói quá cũng ăn nhưng chỉ ăn một chút rồi lại đâu vào đấy.
Còn tình trạng của bé nhà chị Ngọc Hương (Q.1, TP.HCM) cũng không khả quan hơn. Con gái chị năm nay 13 tháng tuổi nhưng cũng thuộc típ trẻ biếng ăn hay ngậm, dù chị đã rất cố gắng thay đổi thực đơn, bỏ thời gian học cách trang trí món ăn cho thật bắt mắt… nhưng tất cả đều trở thành “công dã tràng”.
Từ 2 câu chuyện trên, PGS.TS.BS Lê Bạch Mai cho rằng, với những trẻ lười ăn hay ngậm hoặc chỉ nuốt thức ăn khi ăn kèm canh hoặc vừa ăn vừa uống nước thì bố mẹ nên đưa trẻ đi khám vì có thể bé đang mắc một số bệnh gây khó chịu như đau họng hay các bệnh lý về đường tiêu hóa khiến trẻ biếng ăn, không muốn ăn.
Nếu xác định trẻ ngậm thức ăn không chịu nuốt do bệnh lý, bác sĩ sẽ điều trị các bệnh lý và triệu chứng giúp bé ăn ngon trở lại. Nếu trẻ hoàn toàn bình thường, mẹ nên xem xét trẻ có rơi vào những nguyên nhân dưới đây không:
- Trẻ không muốn ăn quá nhiều: Một số trẻ vì không thích ăn, không muốn ăn nhiều nên sẽ tìm cách kéo dài thời gian ăn bằng cách ngậm thức ăn trong miệng không chịu nuốt. Hành động này lâu dần trở thành thói quen, khiến tình trạng biếng ăn nghiêm trọng hơn.
- Mẹ cho trẻ ăn thực phẩm không phù hợp: Nhiều trẻ chưa mọc răng, hoặc chỉ được vài cái “tượng trưng”, mẹ đã cho con ăn thức ăn dai, cứng khiến trẻ khó nhai, khó nuốt nên đành ngậm lại trong miệng. Hoặc vì nôn nóng muốn con tăng cân, mẹ đã ép con ăn quá nhiều thức ăn mà trẻ không thích khiến trẻ bất hợp tác.
- Xay nhuyễn thức ăn: Một thói quen phổ biến của các mẹ là hay xay nhuyễn thức ăn cho trẻ dễ ăn, dễ nuốt, dễ tiêu đến khi chuyển qua ăn đặc, ăn thô trẻ không quen nên lười nhai, hay ngậm. Khi trẻ không chịu nhai sẽ không tiết ra được các enzyme tiêu hóa thức ăn, gây giảm chức năng tiêu hóa trong cơ thể, giảm khả năng hấp thu.
- Cho trẻ ăn những thực phẩm trẻ ghét: Có một số thực phẩm trẻ không thích ăn nhưng mẹ không nhận ra nên thường xuyên nấu cho trẻ ăn cũng khiến trẻ lười ăn hay ngậm. Bên cạnh đó, có thể cách chế biến thức ăn của mẹ không hợp với khẩu vị cũng khiến trẻ biếng ăn hay ngậm.
Nếu trẻ biếng ăn hay ngậm rơi vào một trong các trường hợp trên mẹ cần tìm cách khắc phục nhanh chóng để trẻ trở về trạng thái ăn uống bình thường, tránh những hậu quả nghiêm trọng về sau.
Hậu quả khó lường của việc trẻ biếng ăn hay ngậm
Không chỉ khiến mẹ mệt mỏi, stress mà thói quen ngậm thức ăn không chịu nhai, nuốt sẽ gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ. Cụ thể:
- Ảnh hưởng đến răng, miệng: Ngậm thức ăn lâu trong miệng, lượng đường được men tiêu hóa tiết ra bám vào răng gây sâu răng từ khi trẻ còn rất nhỏ.
- Suy dinh dưỡng, rối loạn chức năng ăn uống: Trẻ biếng ăn hay ngậm sẽ gây ra tình trạng kém hấp thu, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến khả năng phát triển trí não, chiều cao, cân nặng sau này.
- Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: Trẻ ngậm thức ăn khiến cho các enzyme không hoạt động tốt lâu ngày sẽ gây rối loạn tiêu hóa.
- Suy giảm hệ miễn dịch: Trẻ biếng ăn hay ngậm lâu ngày sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch, sức đề kháng kém dẫn đến trẻ nhiễm bệnh.
- Gây chậm nói: Quá trình nhai giúp phá vỡ thức ăn thành các kích cỡ dễ tiêu hóa, nướu được kích thích và phát triển đồng thời giúp làm sạch răng khi nhai. Chưa kể, nhai cũng giúp trẻ tập luyện cơ mặt, lưỡi và cơ hàm. Nếu cơ hàm không phát triển tốt thì xương hàm cũng kém phát triển. Ngược lại bé không nhai thức ăn thì các cơ quan trên mặt, miệng cũng không hoạt động sẽ dẫn đến việc trẻ chậm nói.
Giáp pháp cho mẹ có con biếng ăn hay ngậm
PGS.TS.BS Lê Bạch Mai chia sẻ để khắc phục tình trạng trẻ biếng ăn hay ngậm mẹ nên:
- Khi trẻ ăn dặm, mẹ không nên xay nhuyễn thức ăn mà nên nghiền nát. Thực hiện quy tắc ăn từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều. Đối với trẻ lớn hơn, mẹ nên tìm hiểu nhu cầu và sở thích ăn uống của trẻ kết hợp với việc trang trí thức ăn đẹp hơn, hấp dẫn hơn sẽ kích thích trẻ nhai và nuốt. Đồng thời, việc đổi món thường xuyên cũng có tác dụng kích thích trẻ ăn nhiều hơn.
- Khi trẻ 7, 8 tháng tuổi nên tập cho trẻ thói quen tự bốc, tự cầm thìa xúc thức ăn, như thế trẻ sẽ rất hứng thú với mỗi bữa ăn.
- Mỗi bữa ăn của trẻ biếng ăn hay ngậm cần diễn ra nghiêm túc, mẹ nên cho trẻ ăn trên ghế ăn, tuyệt đối không nên cho trẻ vừa ăn, vừa xem tivi như thế trẻ sẽ chú ý đến việc ăn uống hơn.
- Thường xuyên khen, khuyến khích, động viên khi trẻ ăn ngoan sẽ giúp trẻ hào hứng và ăn tốt hơn.
- Không nên ép trẻ ăn quá nhiều trong một bữa. Rất nhiều trẻ khi đã hơi lưng bụng là bắt đầu lười nhai. Do đó, mẹ nên chia nhiều bữa nhỏ để bé cảm thấy thoải mái cũng như cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể hơn.
- Cuối cùng, mẹ cần tăng cường cho trẻ vận động trước mỗi bữa ăn. Với trẻ biếng ăn hay ngậm thì vận động giúp đốt cháy năng lượng hiệu quả trẻ ăn uống ngon miệng hơn, chưa kể hệ tiêu hóa cũng được cải thiện tốt hơn bé dễ dàng hấp thụ hết các chất dinh dưỡng trong thức ăn và cải thiện cân nặng. Tuy nhiên, mẹ nên chú ý, chỉ cho trẻ thực hiện các vận động phù hợp với lứa tuổi và thường xuyên để mắt đến trẻ nếu trẻ còn nhỏ.
Nếu đã áp dụng “liên kết” tất cả các “bí kíp” trên mà trẻ vẫn biếng ăn hay ngậm thức ăn kéo dài, mẹ tuyệt đối không nên tùy tiện cho trẻ uống các loại thuốc có tác dụng kích hoạt men tiêu hóa, kích thích trẻ ăn ngon. Vì nếu sử dụng với liều lượng không hợp lý, dùng thuốc khi chưa có tư vấn/hướng dẫn của bác sĩ sẽ gây tác dụng ngược. Điều mẹ cần làm là đưa trẻ đến khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.